Stanley Kubrick's quote




STANLEY KUBRICK - MỘT GÓC NHÌN


Stanley Kubrick là một đạo diễn, nhà sản xuất phim và nhà biên kịch người Mỹ. Với sự nghiệp điện ảnh đồ sộ của mình, ông được coi là một trong những đạo diễn vĩ đại nhất của thế kỉ 20. Nổi trội nhất trong số đó là 8 bộ phim ở giai đoạn năm 1962 đến 1999. Phim của ông ở giai đoạn này đã vượt khỏi những quy tắc của thời đại, phóng túng trong cách kể truyện, hết sức táo bạo trong nghệ thuật dựng phim. Nếu có thể dõi theo một vài phim trong số những kiệt tác này, ta có thể dễ dàng nhận ra quan điểm nghê thuật ông, thứ quan điểm đã ăn sâu vào từng ngóc ngách của mỗi tác phẩm, bất kể khác biệt về xu hướng, chủ đề, hay thể loại. Quan điểm ây đã từng được nhấn mạnh qua câu nói của ông:  

 “A film is - or should be - more like music than like fiction. It should be a progression of moods and feelings. The theme, what’s behind the emotion, the meaning, all that comes later."



Đọc qua lời trích dẫn trên, tôi rất bất ngờ bởi cả 8 bộ phim đình đám ấy đều xuất phát từ tác phẩm văn học. Ví dụ như “2001: A Space Odyssey” (1968) dựa trên các tác phẩm của Arthur Clarke, The Shining (1980) dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Stephen King,…Vả lại, đối với một môn nghệ thuật tổng hợp như điện ảnh (tức là nó hội tủ đặc điểm của các loại hình nghệ thuật khác), ta lại càng khó khăn hơn nữa trong việc phân biệt xem cách thức truyền đạt tư tưởng và cảm xúc của nó giống với loại hình nào hơn.


Cảm xúc của một người được hình thành bởi sự thay đổi hoàn cảnh hay môi trường xung quanh người đó. Các loại hình nghê thuật (Thơ văn, Âm nhạc, Hội họa, Điêu khắc, Vũ kịch, Kiến trúc, Điện ảnh) là những phương pháp dễ dàng và nhanh chóng nhất để tạo ra (hay giúp ta tạo ra) một môi trường mới. Như vậy, khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, tự khắc cái gọi là “cảm xúc” sẽ xuất hiện. Tóm lại, tôi chỉ muốn nói là, cảm xúc xuất hiện trước là một điều không quan trọng (mặc dù Kubrick có nhắc đến thứ tự, nhưng đó không phải ý chính), nó quan trọng bởi vì nó được xuất hiện, chắc hẵn Stanley Kubrick là người hiểu rõ điều này nhất bởi ông là bật thầy, là kỳ tài, là thần thánh xây dựng cảm xúc. 


Nhưng “Ý thức”, dù ít hay nhiều, lại luôn tồn tại song song nó, bên cạnh nó, kềm hãm nó, xây dựng nó, bổ sung cho nó, … để cùng nó tạo nên một quá trình phát triển tâm trạng. Ý của tôi là, cảm xúc đơn thuần không thể tự tạo nên cái gọi "quá trình" như Kubrick đề cập, nó phải liên kết chặt chẽ với nội dung, và hơn thế nữa, liên kết với ý thức của người xem, thì cái quá trình ấy mới có nền tảng vững chắc để phát triển. Tùy từng người, từng độ tuổi, từng hoàn cảnh, địa vị và ý thức hệ của xã hội, người xem phim sẽ có những cảm nhận và nhận xét khác nhau đối với bộ phim mình xem. Bên cạnh cảm xúc, nhận thức của khán giả là một điều tối quan trọng. Như vậy, không biết trong quan điểm nghệ thuật của mình, Stanley Kubrick đã vô tình hay cố ý phớt lờ nó?


Ai cũng biết rằng, âm nhạc khác với 6 loại hình nghệ thuật kia ở chỗ nó không yêu cầu người nghe đã từng “học được” hay “hiểu được” gì cả, chỉ với giai điệu thôi là đã quá đủ để ta có được cảm xúc. Tiểu thuyết cũng khác biệt bởi nó thúc đẩy sự tưởng tưởng của ta, rồi từ đó mới sinh ra cảm xúc. Nếu như điện ảnh giống âm nhạc, kiến trúc, vũ kịch ở khía cạnh xây dựng nên cảm xúc, tâm trạng, tình cảm thì điện ảnh cũng giống văn học, điêu khắc, hội họa ở khía cạnh truyền đạt tư tưởng, chủ đề, ý nghĩa và sự tưởng tượng. Việc Stanley Kubrick nhắc đến âm nhạc và tiểu thuyết giúp ta dễ hình dung hơn luận điểm của ông, Stanley Kubrick cho rằng, phim ảnh cần tác động mạnh vào cảm giác của con người, đòi hỏi người xem cảm nhận nhiều hơn là suy nghĩ. Điều này có thể giải thích được là: Tại vào thời điểm đỉnh cao của sự táo bạo, vào thời điểm của ý thức sáng tạo mãnh liệt, thời điểm của những ý tưởng cách mạng trong điện ảnh, Stanley Kubrick không thể và không có thời gian để nghĩ tới những người coi phim của mình để xem “họ là ai”, “họ xem phim như thế nào”, “họ biết được cái gì”, “kiến thức của họ ra sao”, … Ông chỉ cần biết phim của ông chắc chắn sẽ gây cảm giác mạnh với người xem vì những bước đi vượt khỏi quy tắc. Phớt lờ khán giả, đôi khi lại là hội chứng của những thiên tài? A Space Odyssey là một minh chứng rõ ràng nhất cho điều ấy. Đây được coi là cuộc cách mạng của dòng phim giả tưởng và dường như đến giờ vẫn chưa có bất kỳ bộ phim nào vượt qua được. Những yếu tố đó, những gam màu tuyệt đẹp, sự phức tạp chồng chéo, những câu hỏi không lời đáp, những cảnh quay chậm chạp, âm nhạc lạ lùng, độc đáo, và điều quan trọng nhất là sự nhập nhằng giữa tính trừu tượng và siêu thực, giữa ý thức và cảm giác, ... tạo nên cho phim một nét đẹp gợi cảm rất riêng. 

Nhưng sự cuồng loạn, táo bạo, xem nhẹ ý thức có thể sẽ gây ra những hậu quả vô cùng lớn đến nhận thức của người xem.Điển hình như A Clockwork Orange đã để lại một mớ nội dung còn "hỗn độn hơn" và “méo mó hơn" cả A Space Odyssey. Tuy là một tác phẩm lớn nhưng khi xem xong, ngoài những mỹ từ dành cho hình ảnh, màu sắc, âm thanh, và những bản nhạc đầy kích thích, chắc hẳn từ “khủng khiếp” cũng thích hợp để miêu tả bộ phim. Sự lạnh lùng, sự đen tối, cách đả kích xã hội của Stanley Kubrick tiêu cực đến mức lấn át hẳn giá trị châm biếm của tác phẩm. Phần lớn khán giả phổ thông đều không nhận ra được giá trị này, và một phần cũng lớn tương tự thì nghĩ rằng phim tôn vinh tình dục và bạo lực. Vai chính trong phim - Alex là một kẻ bệnh hoạn, cuộc đời chỉ xoay quanh những chuyện như trấn lột, cướp bóc, hãm hiếp, ẩu đả với những băng nhóm khác. Có thể đây là một nhân vật gây cảm giác mạnh nhất và trực diện nhất đối với tôi. Nhưng phim có gây sốc đến mức nào thì Kubrick cũng không thể ngờ tới việc nó sẽ khiến một thiếu niên ám ảnh đến mức vừa hãm hiếp một phụ nữ vừa hát Singin’ in the rain (giống hệt như nhân vật Alex). Hoặc một thằng nhóc 16 tuổi mang bộ đồ Alex mặc trong phim (quấn áo trắng, mũ tròn đen, gậy và giày booth - đồng phục băng đảng Alex) đi đánh người ở Anh. Tác động mạnh mẽ lên ý thức của thanh thiếu niên như vậy, phim bị cấm phát hành ở Anh.


Quan điểm của Kubrick không thể xác định rõ ràng là đúng hay sai. Dù gì thì nó cũng là một cách nói, một quan điểm chủ quan mà thôi. Với tư cách là người sáng tạo nghệ thuật, việc coi trọng tác phẩm của mình, mong muốn nó gây ra cảm xúc mãnh liệt đến người xem là hoàn toàn cần thiết. Kubrick đã thành công, nhưng ông cũng đã “thất bại” ở một khía cạnh khác bởi chính quan điểm này. Ông đã không chú trọng đến cách nhìn nhận, cách đánh giá, những luận lý trong ý thức của số đông mọi người, cách mà mọi người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Nếu có thì chắc những bi kịch thực sự như trên sẽ không diễn ra. Tất nhiên, tự bản thân mỗi người đều phải chịu trách nhiệm với hành động của mình. Nhưng phim ảnh luôn ảnh hưởng lớn đến cách nhìn nhận của người quan sát nó cũng cần phải có một "trách nhiệm" trong việc hình thành nên cảm xúc của người khác. Sự táo bạo, phóng khoáng, sáng tạo phải đi kèm với giới hạn của chính nó. Vì dù gì đi nữa thì con người hiện tai cũng luôn sống trong một thế giới mà họ có thể nhận thức. Sẽ ra sao nếu một bộ phim hoàn hảo đến mức nó khiến cảm xúc của họ văng ra khỏi sự chi phối của ý thức, khiến họ sống trong một thế giới mà họ cảm thấy nó tồn tại?


Nếu như mọi hành động và suy nghĩ của trí tuệ đều có sự tham gia của cảm xúc, thì cảm xúc phần lớn được hình thành bởi cả ý thức (tất nhiên, phần còn lại thuộc về vô thức và bản năng). Hiểu rõ điều đó, có khả năng nắm bắt và thể hiện được sự giao thoa giữa 2 yếu tố này, kết hợp giữa nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh trong tác phẩm của mình, đó mới chính là một nhà làm phim tài ba trong mắt tôi.

[Giải nhì cuộc thi viết luận của DAN]

Comments

  1. anh rat thik bai viet nay. La^u qua' kho^ng thay em vao Yxine ? Noel vui chu' ?

    ReplyDelete

Post a Comment